Hợp đồng thuê văn phòng mẫu và những điểm cần lưu ý (Phần 1)

Bạn có đang:

  • bối rối khi đọc 1 mớ hợp đồng thuê văn phòng dài ngoằng toàn chữ là chữ?
  • mình cần yêu cầu chủ nhà những thông tin gì?
  • thắc mắc không hiểu điều khoản này có gây bất lợi cho mình không?
  • bên cho thuê có đủ pháp lý để tin tưởng hay không?
  • mình cần mở rộng văn phòng thì có được chấm dứt hợp đồng không?

v.v…

Vậy thì bài viết dưới đây, mình – Hải Hà – chuyên viên tư vấn thuê văn phòng tại ttOffice với 4 năm kinh nghiệm – sẽ cung cấp cho bạn Hợp đồng thuê văn phòng mẫu và highlight những nội dung chính của Hợp đồng, từ đó giúp bạn giải đáp những câu hỏi trên và thuê được văn phòng ưng ý, bạn cũng có thể sử dụng hợp đồng mẫu này cho bất kỳ thương vụ nào mà hoàn toàn yên tâm về tính thực tế của nó.

Bạn có thể download Hợp đồng thuê văn phòng mẫu tại đây

Đối với bất kỳ 1 hợp đồng nào cũng sẽ gồm những nhóm nội dung chính như sau:

1- Chủ thể của hợp đồng:

Hiểu đơn giản chủ thể của hợp đồng là các bên tham gia ký kết HĐ, gồm bên cho thuê và bên thuê.

Trong mục này bạn – với tư cách là người đi thuê văn phòng – cần phải yêu cầu các thông tin và giấy tờ pháp lý để chứng thực văn phòng mà bạn chuẩn bị thuê là hoàn toàn hợp lệ, hợp pháp.

Ví dụ nhé, Công ty X cho bạn thuê văn phòng 200m2 tại tầng 7 – Tòa nhà A, sau khi đã chuyển vào làm việc một thời gian và bạn yêu cầu Công ty X cung cấp các loại giấy tờ của Tòa nhà để làm ĐKKD (gồm có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng, giấy phép PCCC). Nhưng …lại vướng phải 1 vấn đề đó là tòa nhà chỉ được cấp phép xây dựng đến tầng 6 mà thôi và không có giấy phép PCCC, và bạn không thể ĐKKD nếu thiếu 1 trong số những giấy tờ đó.

Hiện nay có nhiều đơn vị cho thuê văn phòng nhưng không phải ai cũng có đầy đủ chức năng cho thuê, chính vì vậy để tự bảo vệ doanh nghiệp của mình thì bạn phải trang bị cho mình những kiến thức pháp lý đầy đủ và đúng chuẩn.

Mình khái quát lại 1 số nhóm giấy tờ pháp lý “cần thiết” bạn nên yêu cầu bên cho thuê cung cấp trước khi quyết định ký kết HĐ như sau:

  • Nhóm giấy tờ tùy thân của đại diện bên cho thuê, gồm: CMND của người đại diện cho thuê (có thể là chủ Công ty X trong ví dụ trên) hoặc người được ủy quyền (cần yêu cầu văn bản ủy quyền kèm theo) và giấy ĐKKD (có chức năng cho thuê bất động sản)
  • Nhóm giấy tờ liên quan đến Tòa nhà cho thuê văn phòng: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng (có công năng xây dựng làm văn phòng), Giấy phép PCCC

2- Đối tượng của hợp đồng:

Mình lại kể bạn nghe 1 câu chuyện khác không mấy vui vẻ trong quá trình tìm thuê văn phòng nhé.

Mới đây thôi, khoảng 3 tháng trước mình có gặp 1 chị khách hàng – chị V và mình cũng đã tư vấn và giúp chị ấy thuê được văn phòng khá ưng ý với Diện tích khoảng 350m2 với giá khoảng 6.000$. Thế nhưng câu chuyện lại nằm ở văn phòng thời quá khứ của chị V, khi đó chưa biết đến ttOffice, chị V cũng đã rất vất vả sau gần 1 tháng trời mới tìm và chốt thuê được văn phòng. 

Trong quá trình đi xem và đàm phán, 2 bên thỏa thuận rằng bên cho thuê sẽ chịu trách nhiệm lắp rèm cho chị V, bởi văn phòng khá rộng và được bao phủ bởi kính, nếu không làm rèm chắn nắng thì chắc chắn sẽ không thể làm việc được. 

Tưởng như mọi điều khoản khá ok rồi và 2 bên tiến hành ký kết HĐ. Và rồi chuyện gì đến cũng phải đến, vô tình cái thỏa thuận lắp rèm kia lại không được đề cập trong bất cứ văn bản nào cả, và khi chị V chuyển đến văn phòng mới lại thêm 1 điều vô tình nữa là đại diện – anh quản lý cũ – người đã có những thỏa thuận lắp rèm cho chị V cũng đã “từng làm việc tại công ty”

Đến đây thì có thể bạn đã hình dung ra kết quả của câu chuyện rồi đúng không? Kết luận chỉ là “sao chị không gặp em sớm hơn nhỉ, nếu thế thì chị đã không phải mất tiền oan cho cái vụ lắp rèm kia rồi, nó tiêu tốn của chị gần 2x triệu đó và nó làm thay đổi cái nhìn của sếp đối với chị nữa” và kèm một tiếng thở dài.

Tại sao mình lại kể cho bạn câu chuyện vừa rồi? Và đừng để trở thành chị V thứ 2 nhé. Hãy nhớ là phải mô tả chi tiết về văn phòng mà bạn chuẩn bị thuê, dù là những chi tiết nhỏ nhất và mặc dù đã thỏa thuận “bằng lời nói” nhưng phải chắc chắn là nó được ghi vào Hợp đồng nhé, bạn hoàn toàn được yêu cầu bên cho thuê để làm việc đó cơ mà. Việc mô tả và thỏa thuận càng chi tiết sẽ càng giúp bạn tránh được những chi phí phát sinh không đáng có sau này.

Ngoài ra 1 lưu ý nữa là mục đích bạn thuê văn phòng để làm gì? Thuật ngữ “văn phòng” được sử dụng ngày càng nhiều và nó được mở rộng ra không chỉ đơn thuần là “nghề bàn giấy”, mà nó cũng được hiểu theo một cách khác là gồm các ngành nghề có tính chất: sạch sẽ, không ồn ào, không làm ảnh hưởng tới các đơn vị khác, không trái pháp luật… Ví dụ như đào tạo, spa, showroom… và bạn cũng cần phải nói rõ mục đích sử dụng này cho chủ nhà nhé.

(Còn tiếp)

Mình hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu hơn mỗi khi đặt vấn đề thuê văn phòng và đừng quên theo dõi những phần tiếp theo nhé.

Trả lời